Ticker

6/recent/ticker-posts

CHANEL HAUTE COUTURE XUÂN-HÈ 2022: CÔNG CHÚA MONACO CƯỠI NGỰA MỞ MÀN SHOW THỜI TRANG

Mở màn bằng tiếng vó ngựa của Đại sứ Charlotte Casiraghi, nhà mốt nước Pháp đưa người xem trở lại khung cảnh nghệ thuật của thập niên 20, khi trường phái avant-gardes chạm đến đỉnh cao.

Trước buổi trình diễn của CHANEL, một thước phim đen trắng đã được ghi lại bởi nghệ sĩ Pháp Xavier Veilhan. Mờ ảo, khó nhìn nhưng đầy chuyển động. Cháu gái Công nương Grace Kelly ở trên lưng ngựa trong chiếc áo khoác vải tweed màu đen có đính sequin và dẫn dắt người xem vào một vũ trụ thị giác. Những đường tròn ở khắp mọi nơi, từ con quay khổng lồ, vòng chướng ngại vật cho đến đồ họa được thêm vào, xoay vòng và kết nối với nhau như một hệ thống ròng rọc khổng lồ để dịch chuyển thời gian và không gian. Virginie Viard muốn tạo ra một trường thời trang “phi trọng lượng”.

BA TRIỀU ĐẠI TRONG MỘT SHOW DIỄN 

Điểm cuối của đoạn phim cũng là điểm đầu của show diễn, Charlotte Casiraghi thả nước kiệu ngay trên sàn catwalk, trong sự kinh ngạc của khán giả và bước ra từ câu chuyện về giới thượng lưu châu Âu. Virginie Viard đã mời Xavier Veilhan thiết kế bối cảnh ở Grand Palais Éphémère vì “lý tưởng của ông ấy về thuyết Kiến ​​tạo khiến tôi nhớ đến Karl Lagerfeld“. Tuy nhiên, Veilhan lại sắp đặt tác phẩm của mình với một con đường mòn bằng cát, hàng ghế uốn lượn và xếp bậc thang mô phỏng một sân golf mini và những trường huấn luyện đặc trưng ở thời kỳ của thế hệ tiên phong, những năm 1920 và 1930, cũng là thời của Coco Chanel. 

Theo Virginie, BST này là “một cuộc trò chuyện xuyên thời gian”. Khi làm việc với Lagerfeld qua hơn ba thập kỷ, những di sản của họ đan xen chặt chẽ với nhau để duy trì tinh thần của Mademoiselle Chanel. Các sáng tạo được thăng hoa giữa truyền thống và bản năng, giữa những tham chiếu từ quá khứ và cái nhìn về tương lai. 

“NỮ KỴ SĨ” CỦA VIRGINIE VIARD

Các thiết kế Haute Couture tiếp tục khẳng định trình độ của các Ateliers nhưng không còn khuôn đóng trong bộ mã DNA thuần chủng, nó ẩn chứa khát vọng được tái tạo nhiều hơn. Chính kiến trúc được tạo dựng bởi Veilhan đã truyền cảm hứng cho Virginie: “Các hình học cứng cáp rất quy tắc này thôi thúc tôi phải làm gì đó tương phản, tôi phải khiến nó tươi mới một cách mềm mại.” Sau những bộ suit vải tweed đứng dáng, Virginie Viard biên đạo lại sân khấu với những chiếc váy voan thanh tao bồng bềnh như đang lơ lửng. 

Bản thân CHANEL vốn là một kỵ sĩ tài ba, khi Coco Chanel chinh phục những người phụ nữ giàu có bằng cảm hứng có phần “nam tính” từ những người tình trên lưng ngựa của mình. Giám đốc sáng tạo hiện tại cũng chắc chắn không thích một vẻ đẹp trong lồng kính. Virginie muốn đưa chuyển động vào mọi thiết kế của mình: “Để khơi mào sự nữ tính khoáng đạt, tôi lấy cảm hứng từ thập niên 20, thu thập lông vũ và đánh tơi vải thành những sợi tua rua”. Có rất nhiều hoa, macramé, ren sáng màu, vải tweed ánh kim và những chiếc nút nạm đá quý đầy màu sắc.

Để giải phóng cơ thể người phụ nữ, những phom dáng đuôi cá và xếp tầng “sóng sánh” trong từng bước đi đã được lựa chọn. Tất cả đều buông thõng, có thể còn phóng khoáng hơn với đường xẻ váy cao ở trung tâm hoặc hai bên ống quần. Virginie hạ ngực, eo và “gọt” mỏng phần thân giữa bằng vải xuyên thấu, đặt đích đến ở một hình tượng đoan trang mà gợi cảm, tự tại và “lẳng lơ”.

Đừng quên theo dõi mình mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều tin tức mới nhất nhé!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét